Skip to content Skip to navigation

Báo cáo kết quả thực hiện chương trình "Kết nối doanh nghiệp - Nhà quản lý - Đơn vị đào tạo" 2018-2019

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

“KẾT NỐI DOANH NGHIỆP - NHÀ QUẢN LÝ - ĐƠN VỊ ĐÀO TẠO”

NĂM HỌC 2018-2019

1. Những kết quả đạt được
Căn cứ vào kế hoạch công tác năm học 2018-2019, Viện Đào tạo chất lượng cao (Viện ĐTCLC) đã thực hiện các 04 hội thảo “Kết nối doanh nghiệp - Nhà quản lý - Đơn vị đào tạo” như sau:

1.1. Hội thảo Kết nối doanh nghiệp lần 1:
Vào 14 giờ 00 phút ngày 24/7/2018, tại Phòng Hội thảo số 1 nhà A1, Viện ĐTCLC đã tổ chức buổi hội thảo Kết nối Doanh nghiêp - Nhà Quản lý - Đơn vị Đào tạo cho sinh viên lớp chọn, chuyên ngành: Điều Khiển tàu biển và Khai thác Máy tàu biển, với hai khách mời là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải, cụ thể: Thuyền trưởng, PGS. TS. Nguyễn Xuân Phương - Viện trưởng Viện Đào tạo chất lượng cao, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh và Máy trưởng Vũ Huy Hoàng - Công ty VINIC.
Hai chuyên gia đã trao đổi về những điều cần thiết mà nhà tuyển dụng mong đợi ở các thuyền viên như: Kiến thức, thái độ, kỹ năng và kinh nghiệm. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hàng hải, các chuyên gia đã chia sẻ và đưa những lời khuyên chân thành nhằm hỗ trợ và hướng dẫn cho sinh viên Viện ĐTCLC chuẩn bị hành trang trước khi đi làm.
Qua những câu chuyện hết sức đời thường khi làm việc trên tàu với cách nói hài hước dí dỏm, dần dần sinh viên cảm thấy như cuốn hút vào câu chuyện của các thầy, thấu hiểu được những vất vả của cuộc sống sóng gió của các thuyền viên, của sự cạnh tranh khốc liệt để giữ nghề giữ thuyền được an toàn trong các chuyến đi biển, và đặc biệt tầm quan trọng của Tiếng Anh khi muốn làm việc trên các con tàu quốc tế, hành hải trên các đại dương thế giới.
1.2. Hội thảo Kết nối doanh nghiệp lần 2:
Chương trình kết nối doanh nghiệp của Viện ĐTCLC lần thứ 2 vào 07 giờ 30 phút, ngày 16/8/2018 tại Phòng Hội thảo quốc tế số 2, nhà A1, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã diễn ra thành công với buổi thuyết trình rất có ý nghĩa của PGS.TS Đan Đức Hiệp, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng dành cho sinh viên Viện ĐTCLC, đặc biệt khối ngành: Kinh tế vận tải biển, Kinh tế ngoại thương, Công nghệ thông tin và Điện tự động công nghiệp.
Chủ đề của Hội thảo: “Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ kinh tế biển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0- Những cơ hội và thách thức”. PGS. TS. Đan Đức Hiệp đã giới thiệu khái quát về 4 cuộc cách mạng đã diễn ra trong lịch sử, sau đó đi sâu vào cuộc cách mạng mới nhất 4.0 đang diễn ra trên thế giới tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu và một phần Châu Á. PGS.TS phân tích những cơ hội và rủi ro của cuộc cách mạng trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống của công dân trên toàn thế giới. Trong bài nói chuyện, PGS.. Đan Đức Hiệp đã đưa ra những ví dụ hết sức sinh động dễ hiểu, những chia sẻ rất gần gũi, ý nghĩa và những bài học vô cùng giá trị đối với các bạn sinh viên. PGS.TS. Đan Đức Hiệp đã truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên có thêm động lực học tập, phấn đấu và mạo hiểm để vươn trở thành công dân toàn cầu.
Đối với ngành kinh tế biển ở thành phố Hải Phòng, PGS. TS. Đan Đức Hiệp đã đưa ra một số các chỉ số phát triển kinh tế và dự báo về sự thay đổi tỉ lệ lao động trong tương lai ở một số nhóm ngành nghề. Từ đó, sinh viên có thể thấy được mình cần gì để đáp ứng và thích nghi với yêu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng trong tương lai.
1.3. Hội thảo Kết nối doanh nghiệp lần 3:
Lần thứ 3 vào 15 giờ 30 ngày 12/12/2018, tại Phòng Hội thảo số 1 và Phòng Hội thảo số 3 nhà A1, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Viện ĐTCLC đã tổ chức song song 2 buổi hội thảo Kết nối Doanh nghiêp - Nhà Quản lý - Đơn vị Đào tạo cho sinh viên lớp chọn, chuyên ngành: Điều Khiển tàu biển - Khai thác Máy tàu biển và sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin, với hai khách mời là Ông Bùi Đình Thuận - Giám đốc VNPT - IT khu vực 4 và ông Nguyễn Huy Ty - Phó Giám đốc Công ty vận tải biển Sao Phương Đông.
Trong buổi kết nối doanh nghiệp, không chỉ có các pông Giám đốc, Phó Giám đốc các công ty, mà còn có sự tham dự của các Trưởng phòng, chuyên gia của các Công ty, giải đáp tất cả câu hỏi, những vấn đề liên quan đến chuyên môn sâu, thực tiễn công việc, sự khuyến nghị trong chương trình đào tạo nhằm bám sát hơn nhu cầu xã hội,…
Hai diễn giả đã trao đổi về những điều cần thiết mà nhà tuyển dụng mong đợi ở sinh viên mới ra trường như các kỹ năng làm việc và kiến thức chuyên môn,… Qua đó, sinh viên nhìn tổng quan hơn về công việc của mình trong tương lai để có phương pháp và kế hoạch học tập phù hợp. Hội thảo cũng mở ra rất nhiều cơ hội làm việc cho sinh viên ngành đi biển và công nghệ thông tin.
1.4. Hội thảo Kết nối doanh nghiệp lần 4:
Trước nhu cầu tuyển dụng của các công ty vận tải biển nói chung, đặc biệt là các công ty: Công ty NS United Kaiun Kaisha, công ty VINIC, và công ty MISUGA KAIUN Co., đối với sinh viên ngành đi biển K57 để cấp học bổng, và tuyển dụng Cadet đối với sinh viên khóa 56, Viện ĐTCLC tổ chức buổi “Kết nối doanh nghiệp - Hỗ trợ tư vấn tuyển dụng cho sinh viên chuyên ngành: Khoa học hàng hải (hệ lớp chọn) của Viện ĐTCLC” vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 19/3/2019.
Trong buổi tọa đàm, có khách mời Nguyễn Huy Ty - Phó giám đốc Công ty vận tải biển Sao Phương Đông đã trả lời trao đổi trực tiếp với sinh viên 02 ngành đi biển. Cùng với đó, các Thầy/Cô trong Viện ĐTCLC phối hợp cùng đại diện Doanh nghiệp đã trả lời trực tiếp sinh viên các câu hỏi về yêu cầu, tâm lý và mục đích của những câu hỏi mà thường xuyên gặp phải khi đi tuyển dụng. Nhờ đó, sinh viên củng cố thêm sự tự tin và có những kiến thức cơ bản để tham gia phỏng vấn tuyển dụng.
1.5. Các kết quả đạt được khác:
- Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp bên ngoài để sinh viên chuyên ngành: Kinh tế vận tải biền và Kinh tế ngoại thương khóa cuối (K55) thực tập tốt nghiệp.
- Có 01 nhóm SV lớp KTB56CL liên hệ công ty cổ phần vận tải 1 TRACO để lấy tài liệu phục vụ cho công tác Nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2018-2019.
- Phối hợp với các doanh nghiệp như: ngân hàng Sacombank; ngân hàng Techcombank Hải Phòng, ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam – chi nhánh Hải Phòng, công ty TNHH Vận tải và tiếp vận Toàn Cầu – Glotrans Hải Phòng, công ty Vantage Logistics Corp (Hải Phòng), công ty cổ phần VINPEARL để trao đổi thông tin việc làm, tuyển dụng sinh viên.
- Hợp tác với Công ty NS United Kaiun Kaisha, công ty VINIC, công ty MISUGA KAIUN Co., tập đoàn vận tải M.O.L, công ty TNHH vận tải biển Sao Phương Đông để cấp học bổng với sinh viên ngành đi biển K57, và tuyển dụng Cadet đối với sinh viên khóa 56 hệ lớp chọn.
- Phối hợp cùng báo Tuổi trẻ tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp, quảng bá tuyển sinh Trường Đại học Hàng hải vào ngày 10/03/2019.
- Trực tiếp thực hiện công tác quảng bá tuyển sinh tại 15 trường PTTH tỉnh Thái Bình và phối hợp quảng bá với các đoàn tại các tỉnh khác. Thực hiện các hình thức quảng bá tuyển sinh khác.

2. Những tồn tại và hạn chế và giải pháp khắc phục
2.1. Những tồn tại hạn chế:

- Một số sinh viên chưa thực sự tập trung, chủ động trong các buổi hội thảo nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, thông tin đáng giá.
- Công tác phản biện các chương trình, nội dung giảng dạy từ doanh nghiệp đối với Viện còn chưa phong phú.
- Số lượng các doanh nghiệp tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn ít; không ít trường hợp sinh viên gặp khó khăn khi liên hệ để tìm chỗ thực tập bởi doanh nghiệp cảm thấy bị làm phiền.
- Công tác tìm kiếm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho sinh viên của Viện còn hạn chế.
2.2. Biện pháp khắc phục:
- Không ngừng nâng cao chất lượng của các buổi Hội thảo Kết nối doanh nghiệp, tạo sức thu hút đối với cả doanh nghiệp và sinh viên, sinh viên có thể thu được nhiều kiến thức và thông tin nhất về các vấn đề liên quan đến việc làm, và các nhà tuyển dụng.
- Tạo sự liên kết 2 chiều, thường xuyên nhận được sự đồng hành, phản hồi của công ty, doanh nghiệp về công tác huấn luyện, giảng dạy đối với sinh viên của Viện để thông qua tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo.
- Tăng cường quan hệ hợp tác với các công ty, doanh nghiệp để ngày càng mở rộng cơ hội trao đổi thông tin việc làm cho sinh viên cuối khóa; cấp học bổng, tài trợ cho sinh viên học tập có thành tích tốt, sinh viên vượt khó.
3. Các đề xuất (nếu có)
- Nhà trường xem xét, có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để trả cho doanh nghiệp khi gửi sinh viên thực tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ coi như học phí đào tạo.
- Tạo điều kiện cho Giảng viên, cán bộ trong Viện cùng sinh viên có các chuyến tham quan doanh nghiệp và chương trình thực tập, tìm thêm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

                                                                                                                                                   VIỆN TRƯỞNG            

                                                                                                                                                         (Đã ký)                    

                                                                                                                                            PGS. TS. Phạm Kỳ Quang