Skip to content Skip to navigation

GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH: ĐIỆN TỰ ĐỘNG CÔNG NGHIỆP (H105)

1. Mục tiêu đào tạo
1.1. Mục tiêu đào tạo

1.1.1. Mục tiêu chung
Đào tạo kỹ sư chất lượng cao chuyên ngành “Điện tự động công nghiệp” có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có ý thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo. Thành thạo tiếng Anh và có kỹ năng thực hành tốt.
1.1.2. Mục tiêu cụ thể
a. Về phẩm chất đạo đức:
Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có đạo đức nhân cách tốt, có tác phong công nghiệp; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt.
b. Về kiến thức: Nắm vững được chuyên môn về điện công nghiệp, các chức năng làm việc của người kỹ sư điện trong các nhà máy, thực hiện các dự án công nghiệp tự động hoá.
Có trình độ ngoại ngữ tốt trong nghiên cứu tài liệu và giao tiếp. Nắm vững các môn cơ sở chuyên môn về nhiều lĩnh vực trong ngành tự động hóa như: hệ thống cung cấp điện, hệ thống điều khiển, quy trình vận hành các dây chuyền công nghệ, chuyển giao công nghệ....
Có ít nhất 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy bằng Tiếng Anh.
c. Về kỹ năng: Theo học chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành Điện tự động công nghiệp, sinh viên được đào tạo kỹ năng cần thiết cho công việc sau này như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm và thích ứng tốt với đòi hỏi của thực tế; các kỹ năng về vận hành, bảo dưỡng các thiết bị điện, các hệ thống tự động hoá công nghiệp.
Có kỹ năng thiết kế các hệ thống tự động hoá, hệ thống cung cấp điện xí nghiệp công nghiệp và các hệ thống tự động hoá điều hành sản xuất.
Có kỹ năng về ngoại ngữ chuyên ngành, tin học và kỹ thuật máy tính.
Sau khi ra trường: có khả năng làm giáo viên trong các trường Đại học và trung học chuyên nghiệp, công tác trong lĩnh vực tự động hoá Công nghiệp, Nông nghiệp, Khai thác dầu khí, Công nghiệp tàu thuỷ, Khoáng sản, Xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật, Đăng kiểm thiết bị, Hoạch định sách lược và chiến lược xây dựng các dự án tự động hoá…Có thể công tác độc lập, công tác nhóm.
d. Về trình độ tin học: Sinh viên theo học chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành Điện tự động công nghiệp được yêu cầu thực hành các kỹ năng tin học văn phòng đạt chuẩn quốc tế trong suốt quá trình học. Sinh viên tốt nghiệp phải đạt và được cấp chứng chỉ công nhận trình độ tin học văn phòng quốc tế MOS (Microsoft Office Specialist). Sau khi ra trường, chắc chắn sinh viên sẽ sử dụng thành thạo phần mềm tin học văn phòng để thực hiện hiệu quả công việc được giao.
e. Về trình độ ngoại ngữ: Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành Điện tự động công nghiệp phải đạt năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dung cho Việt Nam (hoặc tương đương). Do đó kỹ sư Điện tự động công nghiệp chất lượng cao có thể dễ dàng làm việc trong môi trường quốc tế, hội nhập, giao thương trong khu vực và trên thế giới.
1.2. Chuẩn đầu ra
Theo quy định chung của Trường Đại học Hàng hải Việt nam đối với hệ chất lượng cao.
2. Thời gian đào tạo: 4,5 năm.
3. Đối tượng tuyển sinh
Theo Quy chế Tuyển sinh Đại học và Cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp
Tuân theo quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ- BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Quyết định số 2219/QĐ-ĐHHHVN-ĐT ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam về việc ban hành quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.

5. Thang điểm chữ

A+, A, B+, B, C+, C, D+, D, F.
6. Nội dung chương trình

6.1. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 152 TC (Không tính các học phần GDTC, QPAN).
a. Khối kiến thức giáo dục đại cương: 53 TC.
+ Bắt buộc: 41 TC. 
+ Tự chọn: 12 TC.
b. Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 99 TC.
- Kiến thức cơ sở ngành: 49 TC.
  + Bắt buộc: 38 TC. 
+ Tự chọn: 11 TC.
- Kiến thức chuyên ngành (trừ tốt nghiệp): 44 TC.
+ Bắt buộc: 38 TC. 
+ Tự chọn: 6 TC.
- Đồ án tốt nghiệp: 6TC