Skip to content Skip to navigation

HỘI THẢO Kết nối doanh nghiệp Khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật (8/2018)

Chương trình kết nối doanh nghiệp của Viện Đào tạo Chất lượng cao lần thứ 2 vào sáng ngày 16/8/2018 tại Phòng Hôi thảo quốc tế số 3 nhà A1 trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã diễn ra thành công với bài nói chuyện rất có ý nghĩa của PGS.TS. Đan Đức Hiệp, nguyên phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. 
Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trưởng/Phó phòng các phòng ban, lãnh đạo và nhân viên Viện Đào tạo Chất lượng cao và gần 200 sinh viên khối ngành kinh tế và kỹ thuật của Viện Đào tạo chất lượng cao.
Chủ đề của buổi hội thảo tập trung “Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ kinh tế biển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Những cơ hội và thách thức”. PGS.TS. Đan Đức Hiệp đã giới thiệu khái quát về 4 cuộc cách mạng đã diễn ra trong lịch sử, sau đó đi sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mới nhất 4.0 đang diễn ra trên thế giới tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu và một phần Châu Á. Tiến sĩ phân tích những cơ hội và rủi ro của cuộc cách mạng trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống của công dân trên toàn thế giới. Trong bài nói chuyện, TS Đan Đức Hiệp đã đưa ra những ví dụ hết sức sinh động dễ hiểu, những chia sẻ rất gần gũi, ý nghĩa và những bài học vô cùng giá trị đối với các bạn sinh viên. Thầy đã truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên có thêm động lực học tập, phấn đấu và mạo hiểm để vươn lên trở thành công dân toàn cầu. 
Sau đây là một số phân tích về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong bài nói chuyện: Về mặt cơ hội, cuộc CMCN 4.0 có thể mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Sự áp dụng thành công trong lĩnh vực khoa học robot, Internet vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D (3D printing) sẽ thúc đẩy năng suất lao động toàn cầu như những gì mà máy tính cá nhân và mạng Internet đã làm được vào cuối những năm 1990. Đối với các nhà đầu tư, cuộc CMCN 4.0 này sẽ mở ra cơ hội cho lợi nhuận khổng lồ, tương tự những gì các cuộc CMCN trước mang lại. Tuy nhiên, mặt trái của CMCN 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực văn phòng, kỹ thuật, bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.
Vì thế, cuộc CMCN 4.0 đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng của người lao động. Những kỹ năng của người lao động có thể được phân thành 3 nhóm: (1) Các kỹ năng liên quan đến nhận thức; (2) Các kỹ năng về thể chất; và (3) Các kỹ năng về xã hội. Các kỹ năng liên quan đến nhận thức bao gồm: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự phê bình (self-reflection); khả năng sáng tạo tri thức, hay chiến lược học tập. Các kỹ năng về thể chất bao gồm: Kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng về cuộc sống, kỹ năng số. Các kỹ năng về xã hội bao gồm: Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, ứng xử.

Trong cuộc cách mạng sản xuất mới, khi tri thức tồn tại khắp nơi, xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống và hoạt động sản xuất, việc áp dụng những kiến thức chúng ta được học trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với bản thân những kiến thức đó. Ngoài ra, khi hàng ngày hàng giờ đều có những thay đổi về mặt công nghệ, ảnh hưởng đến đời sống thì khả năng thích ứng và khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo là những chìa khóa để người lao động thành công trong thời đại mới.

Hơn nữa, xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu cũng yêu cầu người lao động có những kỹ năng mang tính toàn cầu hơn. Cụ thể, để cạnh tranh trong thời đại mới, người lao động cần sử dụng được nhiều hơn một ngôn ngữ, những kỹ năng xúc cảm cũng cần được phát triển để người lao động có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia với các đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Đối với ngành kinh tế biển ở thành phố Hải Phòng, PGS.TS. Đan Đức Hiệp đã đưa ra một số các chỉ số phát triển kinh tế và dự báo về sự thay đổi tỉ lệ lao động trong tương lai ở một số nhóm ngành nghề. Từ đó, sinh viên có thể thấy được mình cần gì để đáp ứng và thích nghi với yêu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi ra trường.

Thay măt Viện Đào tạo chất lượng cao, chúng tôi xin cảm ơn Ban giám hiệu Đại học Hàng hải Việt Nam, cảm ơn sự góp mặt của thầy PGS.TS. Đan Đức Hiệp, và các quý vị đại biểu, các em sinh viên đã tham dự Hội thảo để cuộc nói chuyện diễn ra thành công và mang lại động lực, định hướng cho các em sinh viên Khối ngành Kinh tế và Kỹ thuật của Viện Đào tạo chất lượng cao Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.